Sáng ngày 09/09/2024, tại Phân hiệu trường ĐH Nông Lâm TP.HCM tại Gia Lai, Đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo do PGS.TS. Nguyễn Thu Thủy- Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học làm Trưởng đoàn đã đến làm việc, thực hiện khảo sát thực trạng và nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao người dân tộc thiểu số tại tỉnh Gia Lai.

 

Đại biểu về tham dự buổi làm việc

            Tham gia Đoàn công tác có PGS.TS. Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo; Ông Trần Trung, Giám đốc Học viện Dân tộc; Bà Đinh Thị Minh Hương, Chuyên viên chính Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo; Ông Nguyễn Văn Khoa, Chuyên viên chính Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bà Phan Thị Duyên, Chuyên viên Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bà Lương Thị Hòa, Chuyên viên Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo; Ông Phạm Ngọc Toàn, Giám đốc Trung tâm Thông tin, Phân tích và Dự báo chiến lược, Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ Lao động – Thương bình và Xã hội; Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó trưởng Ban Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược phát triển giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam; Ông Nguyễn Tiến Thành, Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, Bộ Y tế.

Tham dự buổi làm việc tại Phân hiệu Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM tại Gia Lai có PGS.TS. Phan Tại Huân, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM, phụ trách Phân hiệu trường Đại học Nông Lâm TP.HCM tại Gia Lai; TS. Trần Cao Bảo, Phó Giám đốc Phân hiệu trường Đại học Nông Lâm TP.HCM tại Gia Lai; TS. Nguyễn Quốc Phương, Phó Giám đốc Phân hiệu trường đại học Lâm nghiệp tại Gia Lai; đại diện giảng viên và sinh viên người dân tộc thiểu số của các trường đại học.

 

PGS.TS. Nguyễn Thu Thủy- Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học phát biểu khai mạc

            Quyết định số 1657/QĐ-TTg được Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành ngày 30/12/2022 về  Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là Đề án đặc biệt quan trọng nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo ở vùng dân tộc thiểu số hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện, nâng cao chất lượng sống cho đồng bào DTTS một cách bền vững.

            Để xây dựng Đề án, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiến hành khảo sát thực trạng và nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao người dân tộc thiểu số tại 8 tỉnh thành trên cả nước trong đó có tỉnh Gia Lai.

            Khảo sát thực trạng và nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao người dân tộc thiểu số của Bộ Giáo dục và Đào tạo là hoạt động được giao trong nhiệm vụ "Nghiên cứu, đề xuất, xây dựng Đề án đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao người dân tộc thiểu số trong các ngành/ nhóm ngành/ lĩnh vực: Sức khỏe (chủ yếu Y khoa và Dược học), Công nghệ thông tin, Tài chính - Ngân hàng, Nông nghiệp và đào tạo giáo viên và tỉnh Gia Lai là tỉnh thứ 6 đoàn đến làm việc.

PGS.TS. Nguyễn Thu Thủy- Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học; TS Phạm Ngọc Toàn, Giám đốc Trung tâm Thông tin, Phân tích và Dự báo chiến lược; PGS.TS. Phan Tại Huân, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM, phụ trách Phân hiệu trường Đại học Nông Lâm TP.HCM tại Gia Lai; TS. Nguyễn Quốc Phương, Phó Giám đốc Phân hiệu trường đại học Lâm nghiệp tại Gia Lai chủ trì buổi làm việc.

            Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo Phân hiệu trường Đại học Nông Lâm TP.HCM tại Gia Lai, Phân hiệu trường đại học Lâm nghiệp tại Gia Lai đã trình bày báo cáo báo cáo thực trạng và nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao người dân tộc thiểu số tại các Phân hiệu. Theo đó, hầu hết các trường đại học trên địa bàn tỉnh Gia Lai đều có sinh viên người dân tộc thiểu số theo học, trong đó có những sinh viên là người dân tộc thiểu số ở các vùng rất sâu, rất xa của tỉnh cũng như các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên. Tuy nhiên, chính sách cho các sinh viên người dân tộc thiểu số còn có nhiều hạn chế; các yêu cầu về miễn giảm học phí, điểm tuyển sinh, chuẩn đầu ra, những hạn chế về phong tục tập quán, điều kiện kinh tế- xã hội... còn có nhiều rào cản đối với sinh viên người dân tộc thiểu số và sự tiếp cận môi trường giáo dục đào tạo đại học với học sinh và người dân DTTS . Đại diện của các trường đại học cũng đã kiến nghị, đề xuất một số giải pháp nhằm đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao người dân tộc thiểu số.

PGS.TS. Phan Tại Huân, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM, phụ trách Phân hiệu trường Đại học Nông Lâm TP.HCM tại Gia Lai báo cáo tại buổi làm việc.

Đại diện lãnh đạo Phân hiệu trường Đại học Lâm nghiệp tại Gia Lai báo cáo tại buổi làm việc.

            Nhiều ý kiến của đại biểu giảng viên, sinh viên của các trường đại học đã trao đổi, thảo luận về việc xây dựng chương trình đào tạo, chế độ hỗ trợ chi phí học tập, vấn đề bố trí việc làm sau tốt nghiệp, hỗ trợ cho sinh viên khởi nghiệp, cơ chế, chính sách dành cho sinh viên người dân tộc thiểu số; hợp tác giữa cơ sở giáo dục và doanh nghiệp về đào tạo và sử dụng lao động người dân tộc thiểu số... Đặc biệt, sinh viên người dân tộc thiểu số mong muốn được hưởng chính sách hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí để đảm bảo điều kiện học tập cụ thể như sinh viên sư phạm hiện nay đang được hưởng theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Các ý kiến của Giảng viên, Cán bộ Phân hiệu

Các ý kiến của các em sinh viên người DTTS

            Ghi nhận các ý kiến của giảng viên, sinh viên các trường đại học, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhóm chuyên gia đã trao đổi, làm rõ thực trạng các khó khăn mà người học đang gặp phải, nêu bật các mong muốn của người học về nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng, nhu cầu hỗ trợ khởi nghiệp, tìm kiếm việc làm.

Đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo ghi nhận, tiếp thu các ý kiến của giảng viên và sinh viên

            Kết thúc buổi làm việc, PGS.TS. Nguyễn Thu Thủy –Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học đánh giá cao các ý kiến của giảng viên, sinh viên người dân tộc thiểu số của các trường đại học; nhiều ý kiến có nội dung sâu sắc, thực tiễn, góp phần làm rõ thêm những luận cứ về mặt lý luận và thực tiễn, đề ra mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp để đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao người dân tộc thiểu số.

            Với những ý kiến đóng góp này có ý nghĩa rất quan trọng, Bộ GDĐT sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến đóng góp, tập trung mọi nguồn lực để tiếp tục nghiên cứu, xây dựng Đề án một cách tốt nhất và trình Chính phủ trong thời gian tới nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững, xóa đói giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

 

Toàn cảnh buổi làm việc.

 

 

 

 

Số lần xem trang: 103

logolink