Công trình nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng tiêu cực của cụm công trình thủy điện An Khê – Kanak tỉnh Gia Lai thực hiện bởi nhóm tác giả Đoàn Công Danh (Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh), Lê Quốc Tuấn (Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh), Nguyễn Tri Quang Hưng (Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh), Nguyễn Minh Kỳ (Phân hiệu Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai) được tiến hành tại địa bàn xã Cửu An - thị xã An Khê và xã Đông - huyện Kbang, tỉnh Gia Lai.
Mục tiêu của nghiên cứu nhằm đánh giá tổng thể các tác động của thủy điện An Khê – Kanak đến môi trường, kinh tế và xã hội từ đó đề xuất những giải pháp quản lý theo hướng phát triển bền vững. Nhóm nghiên cứu đã tiến hành thu thập dữ liệu, khảo sát thực địa, điều tra phỏng vấn đánh giá các tác động của công trình thủy điện tại vùng bị ảnh hưởng.
Kết quả cho thấy thủy điện An Khê – Kanak đã gây ra tác động xấu đến chất lượng môi trường sinh thái. Ngoài phần diện tích lớn đất lâm nghiệp có rừng bị mất mát để làm thủy điện, người dân vùng chịu ảnh hưởng còn bị mất đất sản xuất.
Công trình thủy điện An Khê – Kanak làm mất diện tích đất nông lâm nghiệp với tổng diện tích lên đến 3.058ha. Lượng nước trả về sông Ba thực tế thấp hơn 4m3/s như thiết kế và góp phần gây ra tình trạng ô nhiễm. Việc thiếu nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất làm cho đời sống người dân gặp nhiều khó khăn.
Nhóm nghiên cứu đề xuất một số giải pháp thích hợp nhằm nâng cao công tác quản lý hướng phát triển bền vững lưu vực sông Ba.
Do đó, về lâu dài cần có giải pháp khắc phục những tồn tại, yếu điểm để đảm bảo dòng chảy sông Ba, phục vụ và đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân sinh sống chung quanh lưu vục sông Ba trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
(Nguồn: Tạp chí Khoa học kỹ thuật Nông Lâm nghiệp số 04/2017 của Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh)
NQBD
Số lần xem trang: 2567