Nghiên cứu ảnh hưởng của khoảng cách trồng, biện pháp bấm ngọn tỉa cành đến sinh trưởng, phát triển của giống hoa cúc Vàng hè được thực hiện bởi nhóm tác giả Lê Phú Quỳnh Như (Phân hiệu Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai), Phạm Thị Minh Tâm (Khoa Nông học Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh). Nghiên cứu được tiến hành vào tháng 01 đến tháng 03 năm 2013. Mục tiêu của nghiên cứu là xác định khoảng cách trồng, biện pháp bấm ngọn tỉa cành phù hợp với cây hoa cúc Vàng hè trồng ở Thừa Thiên Huế. Thí nghiệm 2 yếu tố được bố trí theo kiểu lô sọc (Strip-plot design), 3 lần lặp lại.

   Những nghiệm thức yếu tố sọc ngang gồm có 5 biện pháp bấm ngọn tỉa cành là: A1: Không bấm ngọn, không tỉa cành; A2: Không bấm ngọn, tỉa 1/3 số lượng cành cấp 1; A3: Bấm ngọn, không tỉa cành; A4: Bấm ngọn, để 3 cành cấp 1; A5: Bấm ngọn, để 5 cành cấp 1. Nghiệm thức yếu tố sọc dọc gồm có 4 khoảng cách trồng là: B1: 10x10 cm, B2: 15x15 cm, B3: 18x18 cm, B4: 20x20 cm.

   Kết quả cho thấy đối với giống hoa cúc Vàng hè đạt năng suất và hiệu quả kinh tế cao nhất khi kết hợp trồng với khoảng cách 10x10 cm và bấm ngọn, để lại 3 hoặc 5 cành cấp 1. Bấm ngọn tỉa cành làm giảm số lượng cành cấp 1, giảm số lượng bông và nụ, từ đó cây có thể tập trung dinh dưỡng nuôi những cành, nụ và hoa còn lại, giúp nâng cao chất lượng cây hoa.

(Nguồn: Tạp chí Khoa học kỹ thuật Nông Lâm Nghiệp, số 01/2017, Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh)

Lâm Khương

 

Số lần xem trang: 2529

Ảnh hưởng của khoảng cách trồng, biện pháp bấm ngọn tỉa cành đến sinh trưởng, phát triển của giống hoa cúc Vàng hè (Chrysanthenum sp.) (trích lược)

Liên kết doanh nghiệp

logolink