Đề tài hỗ trợ đất sản xuất và sinh kế - cơ hội thoát nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện KBang, tỉnh Gia Lai được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu Võ Thị Minh Hòa*, Nguyễn Thị Thu*, Võ Thị Bích Thương*, Nguyễn Thị Lan Thương*.
(* Phân hiệu Trường Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh tại Gia Lai)
Chính phủ Việt Nam đã thực hiện việc hỗ trợ đất sản xuất cùng nhiều hình thức hỗ trợ sinh kế khác cho đồng bào dân tộc thiểu số từ năm 2002 nhằm giúp bà con tạo sinh kế, thoát nghèo. Bởi vì thiếu đất sản xuất là một trong những nguyên nhân gây ra tỷ lệ nghèo cao trong cộng đồng dân tộc thiểu số ở Việt Nam nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng. Đề tài sử dụng khảo sát hộ gia đình nhằm thu thập ý kiến, thái độ của các hộ thụ hưởng về kết quả thực hiện các chương trình hỗ trợ theo Quyết định số 1592/2009/QĐ-TTg và Quyết định số 755/2013/QĐ-TTg. Dữ liệu khảo sát hộ gia đình và dữ liệu thứ cấp thu thập được từ chính quyền địa phương đã được phân tích để xác định kết quả đạt được cũng như khó khăn, hạn chế trong việc hỗ trợ đất sản xuất, nước sinh hoạt và chăn nuôi cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo tại địa bàn huyện Kbang, tỉnh Gia Lai.
Qua nghiên cứu, xác định có việc hỗ trợ sai đối tượng khi nhiều hộ Kinh đã được nhận hỗ trợ đất sản xuất và chăn nuôi. Bên cạnh đó, tình trạng khô hạn đã ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả của các chương trình hỗ trợ.
Từ đó, nghiên cứu đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao kết quả thực hiện của các chương trình hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số trong thời gian tới:
- UBND tỉnh Gia Lai cần ban hành văn bản hướng dẫn quy trình rà soát và đăng ký hỗ trợ thống nhất, đúng đối tượng và đồng bộ áp dụng thực hiện cho tất cả các huyện trên địa bàn tỉnh nhằm tránh tình trạng phải rà soát đối tượng thụ hưởng nhiều lần gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các chương trình hỗ trợ
- Cần chú trọng hơn nữa việc thông báo rộng rãi các đợt tập huấn kỹ thuật sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi đến các hộ đồng bào DTTS.
- Việc tiến hành một nghiên cứu khoa học liên quan đến vần đề nắng hạn tại huyện Kbang là cần thiết bởi vì ảnh hưởng tiêu cực của hiện tượng này sản xuất và đời sống của bà con địa phương.
(Nguồn: Tạp chí Cơ quan thông tin lý luận của Bộ Công thương, số 3/2018)
Lâm Khương
Số lần xem trang: 2461