Nghiên cứu hiệu quả xử lý nước thải của mô hình nuôi cá tra thân thiện môi trường được thực hiện bởi nhóm tác giả Vũ Tuấn Kiệt (Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh), Nguyễn Tri Quang Hưng (Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh), Nguyễn Minh Kỳ (Phân hiệu Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai). Mục đích của nghiên cứu nhằm thiết lập mô hình thí nghiệm tuần hoàn nước, thân thiện môi trường sử dụng công nghệ biofloc và đánh giá hiệu quả xử lý các chất ô nhiễm trong điều kiện nuôi vận hành loài cá tra Pangasianodon hypophthalmus.
Phương pháp truyền thống nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi cá tra nói riêng phải thường xuyên thay một lượng nước lớn mỗi ngày. Hàm lượng các chất độc sinh ra gây cản trở, kìm hãm sự sinh trưởng và phát triển các loài thủy sản và không hiệu quả kinh tế. Khắc phục những hạn chế trên, công nghệ tuần hoàn nước biofloc (BFT) sử dụng cơ chế trao đổi tuần hoàn nước và thúc đẩy mật độ quần thể vi sinh vật bằng cách gia tăng tỷ lệ thành phần C:N trong nước (Avnimelec, 1999; Ebeling et al., 2006).
Trong hệ thống tuần hoàn nước biofloc, carbonhydrate được thêm vào có vai trò thúc đẩy sự phát triển đa dạng và cân bằng cộng đồng vi sinh vật. Kết quả nghiên cứu cho thấy mức độ ổn định cao các hợp chất hữu cơ và chất dinh dưỡng nitơ, phốtpho. Mức trung bình xử lý BOD5 của công nghệ biofloc tương ứng 21,4% (SD=12,11). Hiệu suất xử lý COD dao động trong khoảng giá trị 10,6% đến 67,2% và trung bình 32,2% (SD=12,14). Hiệu quả xử lý trung bình TN, TP tương ứng lần lượt 28,9% (SD=27,79) và 11,0% (SD=4,28).
Nhìn chung, mức độ xử lý nitơ tốt hơn so với khả năng loại bỏ phốtpho. Giá trị trung bình các thông số chất lượng nước mô hình thí nghiệm sau xử lý đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về nước thải công nghiệp QCVN 40:2011/BTNMT (cột A). Công nghệ biofloc có ưu điểm trong việc ứng dụng nuôi truồng thủy sản bền vững và thân thiện môi trường.
(Nguồn: Tạp chí Khoa học kỹ thuật Thủy lợi và Môi trường, số 59, tháng 12/2017)
Lâm Khương
Số lần xem trang: 2520