Đề tài “Đánh giá ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến dòng chảy lưu vực sông Đăk B’la sử dụng mô hình SWAT” với chủ nhiệm đề tài là Trần Thị Thảo Trang (Phân hiệu trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai) và Nguyễn Kim Lợi (Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh) được thực hiện tại lưu vực sông Đăk B’la thuộc hai tỉnh Kon Tum và Gia Lai có diện tích lưu vực là 3442,31 km2.
Tiến trình thực hiện
Dữ liệu bao gồm: bản đồ đất năm 2010, bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2010, bản đồ quy hoạch sử dụng đất năm 2020, bản đồ địa hình DEM (Digital Elevation Model) trong lưu vực sông Đăk B’la và dữ liệu khí tượng: tọa độ trạm đo, số liệu lượng mưa, nhiệt độ không khí, bức xạ mặt trời, độ ẩm theo ngày được lấy từ đài khí tượng và thủy văn khu vực Tây Nguyên của các trạm: trạm Kon Tum, trạm Măng Đen, trạm Đăk Tô, trạm Kbang, trạm Pleiku, trạm Đăk Đoa và 3 trạm khí tượng toàn cầu: 1421081, 1451081, 1481081 từ năm 2000 – 2011. Các dữ liệu sau khi được xử lý cho phù hợp với đầu vào của mô hình SWAT sẽ được đưa vào để tính toán lưu lượng dòng chảy từ năm 2000 – 2011. Sau đó lưu lượng này sẽ được hiệu chỉnh và kiểm định, ta được bộ thông số mới cho mô hình. Bộ thông số này sẽ được sử dụng để tính toán lưu lượng dòng chảy cho kịch bản biến đổi khí hậu.
Lưu lượng dòng chảy theo các kịch bản tại LVS Đăk B'la
Nghiên cứu cho thấy biến đổi khí hậu có những tích cực cho lưu vực nghiên cứu như: lưu lượng dòng chảy rãi đều ra các năm, không còn tập trung vào các tháng mùa mưa như trước đây. Tuy nhiên lượng mưa vào các tháng mùa khô cũng không cao nên vào mùa này khu vực vẫn có khả năng xảy ra thiếu nước. Dưới sự thay đổi của các yếu tố thời tiết thì mùa mưa sẽ đến chậm hơn và có những thay đổi thất thường trong dòng chảy. Tình trạng thiếu hụt nước sẽ xuất hiện ngày càng nhiều đồng thời có khả năng sẽ xuất hiện những trận lụt thế kỷ. Để hạn chế những ảnh thay đổi thất thường của dòng chảy, kiến nghị các cơ quan ban ngành cần có những chính sách nhằm ngăn chặn và hạn chế ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
(Nguồn: Hội thảo “NCKH và CGCN của Phân hiệu ĐHNL TP.HCM
tại Gia Lai: Tiềm năng và nhu cầu”)
TNLK
Số lần xem trang: 2550