Đề tài “Đánh giá kết quả thực hiện các chương trình hỗ trợ đất và nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo tại huyện Kbang, tỉnh Gia Lai giai đoạn 2009 - 2015” với chủ nhiệm đề tài là Võ Thị Minh Hòa (Phân hiệu trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai) nhằm xác định mặt tích cực và hạn chế trong quá trình hỗ trợ đất và nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS nghèo theo Quyết định 1592/2009/QĐ-TTg và 755/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ từ đó đề xuất giải pháp thực hiện các chương trình hỗ trợ trong thời gian tới nhằm nâng cao kết quả thực hiện vì mục tiêu giảm nghèo bền vững. Mẫu nghiên cứu được lựa chọn theo phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên với tổng số mẫu là 120. Nghiên cứu được thực hiện tại 03 xã và 01 thị trấn, gồm thị trấn KBang, các xã Nghĩa An, Kong Long Khong và Kon Bla, đều thuộc huyện KBang của tỉnh Gia Lai.
Phạm vi nghiên cứu
Từ 2009 đến 2015, huyện KBang đã nỗ lực thực hiện chính sách hỗ trợ đất sản xuất và sinh kế cho cộng đồng DTTS nghèo, kết quả đã có 1.191 hộ nhận được hỗ trợ. Trong đó, 952 hộ DTTS Bahnar được thụ hưởng 623 công trình hỗ trợ cung cấp nước sinh hoạt, 100 hộ được hỗ trợ mua 116 con giống vật nuôi để chuyển đổi ngành nghề, và 139 hộ được hỗ trợ tổng cộng 87,33 ha đất sản xuất. Dù đã được hỗ trợ từ năm 2009, tỷ lệ hộ nghèo trong nhóm hộ đồng bào DTTS nhận hỗ trợ nước sinh hoạt còn ở mức cao, tương ứng 65%. Trong phạm vi nghiên cứu này, chúng tôi chưa có cơ sở để kiểm chứng hiệu quả hay không hiệu quả của việc sử dụng hỗ trợ chăn nuôi như là một hình thức thay thế đất sản xuất (UBTVQH, 2012; UNDP, 2012).
Tổng hợp kết quả khảo sát
Vì vấn đề nắng hạn gây thiếu nước, rất nhiều công trình hỗ trợ nước sinh hoạt không còn phát huy tác dụng, 91,7% số hộ gia đình nhận hỗ trợ đất sản xuất bị thiếu nước sản xuất. Đa số bà con nhận hỗ trợ chăn nuôi phải dùng đọt mía hoặc tinh bột làm thức ăn thay thế cỏ cho bò, dê.
(Nguồn: Báo cáo đề tài cấp cơ sở Phân hiệu Gia Lai 2017)
Lâm Khương
Số lần xem trang: 2442