Đề tài “Đánh giá hiện trạng canh tác và chất lượng đất trồng hồ tiêu huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai” với chủ nhiệm đề tài là Nguyễn Ngọc Sinh (Phân hiệu trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai), Hồ Minh Lý (trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh), Nguyễn Hồng Hà (Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Gia Lai), Lê Quốc Tuấn (trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh) tiến hành thu mẫu tại 3 xã Ia Pia, Ia Drăng và Ia Băng huyện Chư Prông nhằm đánh giá chất lượng đất để duy trì và phát triển phương thức canh tác hợp lý hướng đến mục tiêu phát triển bền vững nông nghiệp của huyện.
 
Quy mô nông hộ sản xuất hồ tiêu

      Năm 2014, toàn huyện có 2.406 ha tiêu, chiếm 21,67% diện tích hồ tiêu của toàn tỉnh, trong đó diện tích thu hoạch là 1.781 ha, sản lượng 6.856 tấn. Hai giống tiêu được sử dụng phổ biến nhất trong vùng là giống tiêu Vĩnh Linh và Lộc Ninh. Kết quả điều tra tình hình sản xuất hồ tiêu trên 138 hộ tại các xã đại diện của huyện cho thấy Chư Prông là huyện mới trồng tiêu với độ tuổi từ 1-6 tuổi chiếm tỷ lệ cao (55,07%); các hộ trồng tiêu thường là tự phát và có quy mô nhỏ từ 0,5 ha trở xuống chiếm 52,1%, trồng trên 0,5 ha đến 1,0 ha chiếm 26,81% và quy mô trên 1,0 ha chiếm 20,01%. Tỷ lệ sử dụng phân vi sinh của các hộ dân là 77,54%, phân hữu cơ 93,48% và phân khoáng là 95,65%. Ngoài ra, các loại vi lượng khác như Mg, Bo, Zn,… cũng được sử dụng khá nhiều. Phân urê được bón thúc vào đầu mùa mưa, kali bón đầu mùa khô, lúc tiêu có trái non. Tình hình sử dụng phân bón hóa học và dụng thuốc bảo vệ thực vật quá liều lượng cũng là một điều đáng lo ngại, điều này không những ảnh hưởng đến chất lượng đất trồng tiêu mà còn ảnh hưởng đến khả năng phát triển và chống chịu dịch bệnh của hồ tiêu.

       

          Tỉ lệ giống tiêu trong huyện                             Tỉ lệ năng suất hồ tiêu tại huyện Chư Prông 

      Khu vực huyện Chư Prông có nhóm đất đỏ vàng trên đá bazan chiếm 44,17%; hàm lượng sét cao. Mẫu đất huyện Chư Prông thuộc loại đất rất ẩm giao động từ 26 đến 30%, độ pH của đất nằm trong khoảng 4,0 – 5,5 là đất chua. Kết quả phân tích cho thấy chất lượng đất trồng hồ tiêu chỉ ở mức trung bình, để cây tiêu phát triển người dân cần phải bổ sung thêm chất dinh dưỡng cần thiết cho cây. Các loại chất dinh dưỡng nên được sử dụng để phát triển tiêu bền vững liên quan đến các hợp chất sinh học, phân bón hữu cơ vi sinh và hạn chế tối đa việc sử dụng các chất hóa học có tính độc hại và tồn lưu lâu dài trong môi trường đất.

(Nguồn: Tạp chí KHKT Nông Lâm nghiệp, số 4/2016)

Lâm Khương


Số lần xem trang: 2365

Đánh giá hiện trạng canh tác và chất lượng đất trồng hồ tiêu huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai (trích lược)

Liên kết doanh nghiệp

logolink